Bản Quyền Mắc Hay Rẻ? Đáng Hay Không Đáng?
Bài viết này này là chia sẻ sau khi đọc bài viết của Tam Do, một photographer với hình ảnh thường xuyên bị mượn.
Mình chỉ muốn chia sẻ lại một kinh nghiệm của mình liên quan đến vấn đề này:
Thời mình còn làm MD cho một tập đoàn truyền thông đa quốc gia thì có một ngày team mình nhận được một cái email từ một tổ chức bảo vệ tác quyền ở Châu Âu nói là trên một website thuộc quyền sở hữu của tập đoàn hiện đang có một hình ảnh bị sử dụng trái phép và gửi kèm đường link bài viết + link hình ảnh vi phạm bản quyền + link thông tin chứng thực sở hữu hình ảnh của tác giả.
Cũng nói qua là tập đoàn mình làm tuân thủ khá tốt việc bản quyền. Tất cả hình ảnh, video và nội dung truyền thông từ thời mình làm đều mua từ các nguồn trả phí (Shutterstock, Envato) hay nếu có dùng content từ các nguồn public domain (được dùng free cho phi lợi nhuận) thì cũng có dẫn nguồn đầy đủ.
Kiểm tra lại thì bài viết đó đã được viết khoảng ba năm trước, bởi một bạn content writer nào đó mà giờ đã nghỉ đâu mất từ lâu và trước thời mình làm hơn cả năm. Cái bài viết ngắn củn cỡn khoảng 800 chữ, cái hình vi phạm bản quyền mình nhớ là size 300×300 gì đó, upscaled lên 500×500, hơi bể, nhìn xấu xấu. Bài cũng không tạo ra giá trị gì lớn, không ranking top keyword nào, không có traffic.
Bên phía công ty bảo vệ bản quyền đòi bắt buộc phải trả tiền bản quyền sử dụng hình ảnh TÍNH THEO NGÀY + tiền phạt vi phạm bản quyền. Tức là cái bài viết đó đăng vào ngày nào, thì bắt đầu tính tiền bản quyền nhân lên bấy nhiêu ngày cho đến thời điểm hiện tại. 3 năm, hơn 1,000~ ngày tiền bản quyền + tiền phạt tổng chi phí bị đòi trả lên đến hơn chục ngàn USD. Bên công ty bảo vệ bản quyền còn cho deadline trong 2 tuần phải có response, nếu không sẽ tiến hành các thủ tục kiện tụng cần thiết và gửi trát hầu tòa.
Ơ nhưng mà công ty tôi ở Việt Nam mà, sợ gì kiện tụng bản quyền nhỉ, con kiến kiện củ khoai. Nhưng vấn đề là mình đang làm trong một công ty MNC, nên nếu kiện thì bên công ty bản quyền này sẽ kiện công ty mẹ ở Châu Âu và lúc đó thì rắc rối còn lớn hơn. Luật lệ về copyrights và privacy ở Châu Âu cũng khá là khắc khe và quy chuẩn do đó nên vụ kiện này diễn ra thì đồng nghĩa với án phí, với bad PR và cuối cùng là vẫn phải trả tiền bản quyền (lúc này sẽ nhiều hơn nữa).
Dù không phải shit do mình gây ra nhưng phải hốt nên giải pháp lúc đó là mình phải:
1. Tìm hiểu về background của công ty bản quyền này (có thực hay không, tránh scam, verify nhiều nguồn, công ty nay đã từng kiện bên nào chưa)
2. Tìm hiểu về tác giả của tấm hình, verify về ownership trên website của tác giả và các trang trưng bày tác phẩm (Behance, Deviantart, Dribble, Carbonmade, v.v…)
3. Tìm hiểu về mức phí sử dụng ảnh bản quyền theo quy chuẩn Châu Âu và của website mà tác giả đăng ảnh stock (Getty)
4. Thương lượng với phía công ty bảo vệ bản quyền để cho thêm thời gian, giảm chi phí phạt và giảm chi phí bản quyền vì:
+ Vấn đề này không phải chủ trương của tập đoàn, đây là sai phạm cá nhân của một nhân viên (vấn đề sai phạm con người)
+ Nhân viên đó không cố tình mà vấn đề là hiểu biết luật bản quyền ở Việt Nam còn nhiều hạn chế (vấn đề mang tính khách quan ở cấp quốc gia)
+ Nội dung đó không phải nội dung thương mại, công ty không kiếm tiền từ nội dung bài viết, chỉ là nội dung chia sẻ miễn phí cho cộng đồng (thường sẽ phạt nặng hơn nếu là nội dung mang tính quảng cáo sản phẩm, quảng cáo hay thương mại)
+ Bài viết không có nhiều exposure về traffic – đính kèm screenshot traffic trang bài viết đó trong 3 năm qua (chứng minh mình không có nhiều giá trị từ đó)
+ Lần đầu vi phạm, và bên mình hoàn toàn có thiện ý muốn giải quyết vấn đề một cách tốt nhất mà không cần đến kiện tụng
Sau 2 tuần trao đổi qua lại, thuyết phục, đàm phán, bên phía công ty bản quyền đồng ý giảm mức phạt và mức phí tác quyền xuống còn 1/3 – 1/4 so với ban đầu và đương nhiên tiền phạt đó trừ vào chi phí marketing.
Chia sẻ một chút từ góc độ của bản thân, còn việc mắc hay rẻ, đáng hay không đáng thì sẽ tùy bạn quyết định.