Khi Các Chỉ Số Của Facebook Page Mất Giá Trị
Mục Lục
Facebook hiện nay là một kênh quảng cáo rất phổ biến tại Việt Nam với hầu hết các thương hiệu lớn đều có fan page riêng và đâu đâu chúng ta cũng có thể thấy chào mời dịch vụ quảng cáo Facebook từ các agency cho tới các nhóm và cá nhân đơn lẻ. Cũng như với Google, người chạy quảng cáo sẽ nhìn vào các chỉ số được đưa ra bởi Facebook để đánh giá sự hiệu quả của chiến dịch quảng cáo đó. Tuy nhiên, nếu như các chỉ số này không còn chính xác hay đúng hơn là giá trị của chúng không còn thì liệu chúng có còn đáng tin cậy để bạn dùng đánh giá hiệu quả của Facebook? Tại sao các chỉ số này lại bị sai lệch?
Sơ lược về các chỉ số của Facebook
Page like: đây là số lượng người bấm like fan page của bạn một cách tự nhiên hoặc thông qua quảng cáo trên Facebook. Những người đã like fan page của bạn có thể thấy được các nội dung mà bạn đăng tải trên fan page.
Page reach / Post reach: là số lượng người thấy nội dung của fan page khi bạn cập nhật. Reach được chia làm hai dạng: organic reach (tự nhiên) và paid reach (thông qua quảng cáo).
Like: đây là những người bấm like nội dung mà bạn đăng trên fan page. Khi một người bấm like bài viết của bạn thì có khả năng bạn bè của người đó cũng sẽ thấy hành động này.
Share: đây là những người bấm share nội dung mà bạn đăng trên fan page. Nội dung được share sẽ xuất hiện trên Wall của người chia sẽ và bạn bè, bạn của bạn, có thể thấy nội dung được chia sẻ này.
Comment: đây là những người tham gia bình luận trên nội dung mà bạn đăng trên fan page. Những bạn bè của người tham gia bình luận có thể thấy hành động này.
Click: đây là những người đã bấm vào nội dung của bạn. Sau khi bấm vào thì những người này có thể thực hiện tiếp các hành động khác như like, share, comment.
Video click: đây là những người đã bấm để xem nội dung video của bạn. Sau khi xem video thì những người này có thể thực hiện tiếp các hành động khác như like, share, comment.
Các chỉ số like, share, comment và clicks được gọi là chỉ số engagement, và những hoạt động này có thể góp phần tạo thêm like, share, comment và clicks từ những người vốn không phải fans của fan page cho nội dung đó. Cái này thì trước đây được gọi là viral reach. Tuy nhiên từ khi đưa ra hệ thống Insights mới thì Facebook đã gộp viral reach vào organic reach.
Vì sao các chỉ số Facebook này mất đi giá trị?
Cùng với sự phát triển và bùng nổ của Facebook trên thế giới cũng đồng nghĩa với việc mạng xã hội này trở thành nơi đến ưa thích của những người làm quảng cáo để tiếp cận các khách hàng trẻ tuổi và năng động. Với sự xuất hiện của Pages dành riêng cho các Business, Facebook chính thức mở cửa cho các thương hiệu tiến vào vùng đất mạng xã hội và đánh dấu sự bùng nổ của kênh quảng cáo này.
Khởi đầu các fan page đều dựa vào chỉ số page like để đánh giá sự popular của page đó. Vì càng có nhiều fan thì mỗi khi đăng tải thông tin sẽ càng có nhiều người thấy hơn và thu hút hơn. Page like về bản chất thì nếu một người thật sự thích nội dung của Pages và muốn được update các thông tin từ Pages đó thì có thể bấm like để theo dõi và số lượng page like biểu thị sự quan tâm của người dùng về dịch vụ, fan page đó. Nhưng rất nhiều người lại nghĩ rằng chỉ số like là một con số có thể dùng để khoe mẽ, để tạo ấn tượng tốt ban đầu với khách hàng, để nhìn hầm hố hơn, v.v…
Tới chuyện làm thế nào để tăng like cho fan page của bạn thì có 2 cách để làm điều này: cách hợp pháp và cách không hợp pháp (theo quy định của Facebook). Trước tiên hãy nói về hình thức tăng like không hợp pháp:
1. Tăng like không hợp pháp
Tư tưởng tăng like bằng mọi giá lây lan rất nhanh và rồi một cuộc đua để tăng page like diễn ra rầm rộ. Có cầu thì sẽ có cung, một hệ sinh thái sống bằng cách bán các like ảo phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm cho tới tận bây giờ. Giờ đây đi đâu trên các Facebook groups cũng sẽ dễ dàng thấy người người hỏi mua like cho fan page và vấn đề nguy hại là ngay cả các agency thực hiện chiến dịch social media cho các brands cũng tham gia vào việc mua bán like này. Các like ảo này là sao? Đến từ đâu?
Nguồn like giả này một phần đến từ các hệ thống trao đổi like (gọi là click farm), trong đó người tham dự sẽ bấm like qua lại với nhau để nhận được điểm, hoặc cũng có thể bỏ tiền mua điểm và sau đó đổi các điểm này thành like cho fan page của mình. Một số người tận dụng thêm các tool tự động hóa để lấy điểm liên tục từ các hệ thống này và sau đó bán lại các cho khách hàng các like giả với giá rẻ. Các like giả này hoàn toàn vô giá trị vì những tài khoản này đã đi like hàng trăm, hàng ngàn trang pages khác nhau và hoàn toàn tự động không hề do con người điều khiển.
Một cách khá phổ biến khác để thu thập like trái phép cho fan page là sử dụng script like ẩn trên website. Tức là mỗi khi có bất cứ ai viếng thăm trang web có cài like ẩn đó họ chỉ cần làm bất cứ một hành động nào đó như click thì sẽ tự động like một fan page đã được cài đặt sẵn (nếu người dùng đã login vào facebook sẵn). Một số website kể cả các website lớn và có tiếng (Foody, CucRe) tại Việt Nam đều có làm việc này. Việc này cũng được rất nhiều admin các trang web tận dụng để tạo like ảo và bán cho các agency và brands với lời hứa là like thật, người thật, profile thật. Vâng thì đúng là đây là các người thật chứ không phải là dạng like giả như bên trên nhưng có điều họ không hề hay biết hay không hề có hứng thú với dịch vụ hay thông tin của fan page mà họ like vậy thì nó có hiệu quả gì? Và nếu người dùng phát hiện thì nó chỉ làm ảnh hưởng đến thương hiệu và khiến họ khó chịu.
2. Tăng like một cách hợp pháp
Ngoài các phương pháp không đàng hoàng phía trên thì người quảng cáo còn có thể tăng like cho fan page của mình một cách hợp pháp bằng cách sử dụng quảng cáo của Facebook. Vậy là lúc này bạn chỉ cần trả tiền cho Facebook và nhận lại một số lượng like, là người thật và thật sự hứng thú với dịch vụ và thông tin của fan page bạn, thật tuyệt vời! Nhưng xin chia buồn với bạn vì sự thật là có rất nhiều khả năng những click bạn nhận được từ quảng cáo thông qua Facebook cũng là giả hoặc ảo như nêu trên. Tại sao? Lẽ nào Facebook cấu kết với các click farm hay những kẻ chuyên chạy like ẩn để kiếm tiền? Để hiểu rõ hơn bản chất của toàn bộ quá trình này thì nên xem qua video được thực hiện bởi Veritasium dưới đây:
Nói đơn giản hơn, thì tức là dù bạn có chạy quảng cáo Facebook đi nữa thì khả năng là các like sẽ vẫn đến từ các hệ thống click farm được nhắc đến từ phía trên vì để tránh sự phát giác và truy lùng của Facebook, các hệ thống này sẽ bấm vào bất cứ các trang fan page nào họ thấy để che dấu vết. Do đó lúc này nếu chạy quảng cáo trên Facebook thì có khả năng người dùng sẽ phải chịu tốn tiền nhưng các engagement nhận được vẫn không hề có chất lượng.
Việc mua bán like giả diễn ra ở khắp mọi nơi và không chỉ có các pages đơn lẻ làm điều này mà ngay cả các brand cũng đổ xô đi mua like với số lượng lớn mà không hề xem xét tới hậu quả. Việc này khiến cho toàn bộ các chỉ số Insight và báo cáo, các thông số về engagement và mọi thông tin bạn thu thập từ fan page của bạn đều sẽ bị sai lệch rất nhiều và khiến chúng mất đi giá trị về phân tích. Các chỉ số này còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc giảm sút về organic reach hay như sắp tới đây Facebook sẽ không cho phép đăng bài mang tính quảng cáo trên fan page nữa mà bắt buộc phải xài quảng cáo.
Với tất cả những vấn đề trên, có thể nhận ra tại sao một số brands quyết định ngừng sử dụng Facebook và tập trung hơn vào các kênh mạng xã hội khác có nhiều khả năng tương tác hơn như là Instagram, Youtube hoặc Twitter. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì Facebook vẫn là mạng xã hội chiếm ưu thế hàng đầu và gần như không có đối thủ cạnh tranh do đó vấn đề lúc này lại là bạn sẽ sử dụng Facebook thế nào. Facebook vẫn là một kênh quảng cáo và phát triển thương hiệu tốt bên cạnh Google nếu sử dụng và tối ưu hóa một cách hợp lý. Xem thêm: Case Study Google Ads vs Facebook Ads.
Cái chính bài viết muốn nhấn mạnh rằng các chỉ số của Facebook như Fan like, post like, share và reach ngày nay bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc chạy theo các chỉ số fake từ nhiều năm nay gây ra và đã trở nên lệch lạc, dựa vào các thông số đó để đánh giá hiệu quả của chiến dịch quảng cáo từ Facebook thì thật nguy hiểm. Nếu bạn là một người làm quảng cáo thì đã tới lúc nên nhìn xa hơn các chỉ số như page like và đừng để bị ảo giác bởi những chỉ số engagement từ quảng cáo của Facebook mà hãy xem xét tới hiệu quả thực sự của nó dưới gốc độ conversion mang lại. Nếu muốn kiểm tra mức độ hiệu quả của Facebook cho website của bạn thì nên sử dụng những công cụ tracking như Google Analytics để thấy rõ ràng hơn.
Bạn nghĩ gì về những quan điểm được tác giả nêu bên trên? Hãy để lại comment bên dưới.